Thời gian gần đây, nhiều trường học trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã xảy ra hiện tượng một bộ phận các em học sinh bị bệnh đau mắt đỏ. Bệnh đau mắt đỏ một khi đã phát tán mạnh trong cộng đồng, rất có nguy cơ lan thành dịch. Để giúp cho quý thầy cô, các em học sinh và quý vị phụ huynh có kiến thức để ứng phó với bệnh đau mắt đỏ, ngày 18/9/2023 Cán bộ Y tế Trường THCS Sơn Thủy đã tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh đau mắt đỏ cho toàn thể CBGVNV và học sinh nhà trường, sau đây BBT xin giới thiệu toàn bộ bài tuyên truyền:
Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) xảy ra khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh dễ lây lan, xảy ra quanh năm có thể lan rộng ra thành dịch trong thời điểm từ hè đến cuối thu.
BIỂU HIỆN BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ
Đau mắt đỏ là bệnh về mắt thường gặp với những biểu hiện đặc trưng ngứa, đỏ mắt, cộm…
Những dấu hiệu điển hình của bệnh bao gồm:
Mắt ngứa, cộm như có hạt bụi trong mắt
Mắt đỏ
Mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt
Mi mắt sưng nề, đau nhức
Có thể kèm theo các biểu hiện khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai… NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU MẮT ĐỎ
Đau mắt đỏ do nhiễm virus: Bệnh gây ra do virus như Adenovirus, Herpes; có thể tự hết trong khoảng 7 – 14 ngày, không cần điều trị.
Đau mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn
Đau mắt đỏ do dị ứng: Các tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi và lông động vật… có thể khiến bệnh kéo dài cho đến khi loại bỏ hoặc tránh xa các yếu tố gây dị ứng.
CON ĐƯỜNG LÂY BỆNH
Tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh khi họ nói chuyện hoặc hắt hơi
Chạm tay vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh như gối, khăn mặt, bàn chải, chìa khóa, tay nắm cửa, chậu rửa bát, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi…
Sử dụng nguồn nước bị nhiễm bệnh ao hồ, bể bơi…
Thói quen hay dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh
Không vệ sinh đúng cách kính áp tròng.
Tốc độ lây lan trong cộng đồng của bệnh đau mắt đỏ rất nhanh nên những địa điểm công cộng và nơi mật độ dân cư cao sẽ tiềm ẩn nguy cơ “bùng phát thành dịch”.
Những biến chứng của đau mắt đỏ bạn cần biết
Bệnh đau mắt đỏ thường diễn tiến lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến giác mạc gây giảm thị lực.
Những biến chứng có thể xảy ra khi thời gian bệnh kéo dài hoặc không chữa trị đúng cách. Ở cả trẻ em và người lớn, bệnh đau mắt đỏ có thể gây viêm giác mạc, loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa. Vì vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi phát hiện bất thường như mắt đỏ, đau nhức cộm… để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ
Bệnh đau mắt đỏ có thể theo dõi tại nhà và thực hiện các thao tác sau:
Chườm lạnh nhằm giảm khó chịu mắt, sưng mi
Rửa mặt, tay thường xuyên với xà bông.
Tránh dùng chung ly, bát, khăn mặt… với người khác.
Tránh dụi mắt, không đi bơi.
Nên nghỉ học, nghỉ làm trong 1 tuần.
Đối với trường hợp cần phải sử dụng thuốc kê toa, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh đau mắt để chỉ định thuốc nhỏ mắt hay thuốc uống phù hợp. Cụ thể:
Đau mắt đỏ do virus: Đau mắt đỏ do virus sẽ kéo dài 4 – 7 ngày rồi tự khỏi nhưng lại dễ lây lan. Trường hợp này, không cần dùng kháng sinh vì không có tác dụng đối với virus. Người bệnh chỉ cần rửa sạch mắt mỗi ngày là đủ.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nếu vi khuẩn là tác nhân gây đau mắt đỏ, cần uống thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp cùng thuốc mỡ bôi.
Đau mắt do dị ứng: Thuốc kháng histamin (gồm thuốc uống hoặc thuốc nhỏ) có thể giúp giảm đau mắt đỏ do nguyên nhân này nhưng sẽ khiến mắt bị khô. Trường hợp này, người bệnh cần gặp bác sĩ khoa mắt để được chỉ dẫn cách điều trị thích hợp.
THỰC PHẨM NÊN VÀ KHÔNG NÊN ĂN KHI ĐAU MẮT ĐỎ
Dinh dưỡng hợp lý giúp tăng sức đề kháng cho đôi mắt, ngăn ngừa biến chứng xấu của bệnh đau mắt đỏ.
Thực phẩm NÊN ĂN
Chú ý bổ sung nhóm thực phẩm cho mắt để duy trì đôi mắt khỏe mạnh
Thực phẩm giàu vitamin A: có nhiều trong cá, gan động vật, khoai lang, bí ngô, rau có màu xanh đậm, cà chua, ớt chuông xanh, sản phẩm từ sữa…
Thực phẩm giàu vitamin K: được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm quen thuộc như trứng, cà rốt, dưa chuột, cần tây, măng tây, rau xà lách, bông cải xanh…
Thực phẩm giàu vitamin C: các loại quả như đu đủ, dâu tây, kiwi, xoài, cải xanh, ớt chuông…
Thực phẩm giàu vitamin B: thịt gà, trứng, cá hồi, gan động vật, bông cải xanh, nấm, các loại hạt và các loại đậu…
Thực phẩm NÊN KIÊNG
Thực phẩm có mùi tanh nồng như tôm, cua, ốc, cá mè…
Thực phẩm có chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước uống có gas
Thực phẩm có tính nóng như ớt, tỏi, thịt dê…
Hạn chế ăn các loại thực phẩm như mỡ động vật, rau muống…
Phương pháp phòng ngừa lây lan
Không dùng chung khăn lau
Không chạm tay vào mắt
Rửa tay thường xuyên
Thay vỏ gối hoặc giặt sạch vỏ gối trong nước nóng
Không dùng chung đồ trang điểm (nhất là mỹ phẩm dành cho mắt)
LỜI KHUYÊN
Trường hợp bệnh lý dai dẳng, không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để điều chỉnh toa thuốc hay có giải pháp chữa trị bệnh đau mắt đỏ phù hợp hơn. QUANG CẢNH BUỔI TUYÊN TRUYỀN
Ý kiến bạn đọc