Đang say sưa giảng bài, bất chợt tôi bắt gặp cậu học trò ngồi bên góc lớp cứ nhìn mông lung, không định vị; tôi đã phải dừng lại và nhắc nhở: Huy! Em hãy tập trung vào bài học! Cậu bé ấy không nói gì và chỉ im lặng. Tiết học cũng nhanh chóng trôi qua và tôi cũng dần quên đi câu chuyện về cậu bé không tập trung trong giờ học của mình…
Giờ ra chơi. Sân trường thật là nhộn nhịp với các hoạt động của các em học sinh và Cô Tổng phụ trách. Tôi lại bắt gặp một cậu bé ngồi một mình ở ghế đá nhìn các bạn chạy nhảy với ánh mắt buồn buồn. Tôi tiến lại gần em, nhẹ nhàng: “Huy! Sao em không đến chơi cùng các bạn?" Em ấy cũng chỉ im lặng. Ánh mắt em ấy lần này đã làm tôi có chút suy ngẫm nhưng cũng nhanh nhóng lãng quên.
Là một Tổng phụ trách, chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi, tôi đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Ước mơ thiếu nhi" trong toàn Liên đội và tôi đã phải dừng lại trước một bức tranh đầy ấn tượng. Trong bức tranh là hình ảnh 2 người ngồi trên xe lăn đánh bóng bàn với sắc màu mờ nhạt, bên sáng bên tối của một em học sinh ký tên QH. Bởi có chút đam mê với Mĩ thuật, tôi đã trăn trở cùng Thầy giáo Mĩ thuật về sự khác biệt của bức tranh đó. Tôi tìm đến tác giả bức tranh trên và người đó không ai khác chính là Quang Huy, lớp 8B. Tôi có hỏi em một vài câu nhưng em cũng chỉ im lặng. Điều đó cứ khiến tôi trăn trở, băn khoăn. Và tôi đã tìm gặp mẹ em ấy, được nghe câu chuyện về Huy tràn đầy xúc động.
Huy sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Lên 4 tuổi, em vào học mẫu giáo nhỡ thì gia đình phát hiện mắt em có vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày. Em sợ ánh sáng. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi bố mẹ nên đã đưa em ra Hà Nội khám và được kết luận là em đã mắc chứng bệnh Glocom (Glaucoma hay còn gọi là tăng nhãn áp, cườm nước, mà dân gian gọi là thiên đầu thống) xảy ra do áp lực của mắt tăng cao bởi sự tích tụ của thủy dịch trong nhãn cầu. Đây là một trong những bệnh phổ biến về mắt, đứng hàng thứ hai trong nhóm các nguyên nhân có thể gây mù lòa trên toàn thế giới và được được ví như kẻ đánh cắp thị lực của con người. Gia đình đã rất sốc. Riêng em, vốn là đứa trẻ con nên em rất ngây thơ. Sự ngây thơ của em càng khiến bố mẹ đau lòng thêm. Được các bác sĩ tư vấn, gia đình đã quyết định cắt bỏ mắt bên trái của em và thay vào bằng mắt giả. Sau 2 năm điều trị, Huy đã có đôi mắt bình thường mà nhìn bề ngoài thì khó có thể phân biệt được. Em vẫn đến trường học hòa nhập với bạn bè trang lứa nhưng cuộc sống, sinh hoạt, học tập của em khó khăn hơn. Khi em ý thức được về đôi mắt của mình thì em cũng đã bắt đầu mặc cảm, ít nói, thiếu tự tin trong tham gia các hoạt động tập thể. Em dành nhiều thời gian hơn cho việc học vẽ. Em vẽ mọi lúc, mọi nơi. Vốn được thừa hưởng sự đam mê Mĩ thuật từ ba; sự khích lệ, động viên của mẹ nên niềm đam mê của em cũng lớn dần lên ... Cho đến khi em có duyên đến với Cuộc thi Vẽ tranh Truyền thông về quyền trẻ em, quyền trẻ khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục do tổ chức AEPD tổ chức. Chúng tôi đã lựa chọn em tham gia không như một sự tình cờ.
Quang Huy tiếp cận Cuộc thi Truyền thông về quyền trẻ em , quyền trẻ khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục do AEPD tổ chức Sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống, những nỗi niềm che giấu, những cảm xúc muốn bày tỏ, những thông điệp muốn gữi gắm của em thông qua bức tranh đã được đền đáp xứng đáng. Giữa những bức vẽ tham gia dự thi, tranh của em đã để lại ấn tượng với ban giám khảo về bố cục, màu sắc và ý tưởng. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi em nhận được kết quả đạt giải nhất cuộc thi. Em rất xứng đáng với những gì em đã phấn đấu.
Tác phẩm Thi đấu – Tác giả Lê Quang Huy
Quang Huy nhận giải thưởng giải nhất cuộc thi vẽ tranh
Từ ngày nhận được được giải thưởng, như một động lực làm cho em cảm thấy tự tin, yêu đời hơn. Tôi không còn thấy cậu học trò ngồi buồn góc lớp hay ghế đá nhà trường nữa mà thay vào đó là cậu Huy năng động, tự tin tham gia các hoạt động. Huy vui vẽ, hoạt bát hơn trong cuộc sống. Em đã tự tin dần lên. Em đã cảm thấy bản thân mình có giá trị hơn với cuộc sống. Em không còn mặc cảm với sự khiếm khuyết của mình. Em như là một sự đại diện cho tiếng nói vươn lên trong cuộc sống, như là một tấm gương để các bạn đặc biệt là những bạn có cùng hoàn cảnh noi theo.
Vâng! Số phận không cho những người khiếm thị một đôi mắt sáng như bao người khác, nhưng khi phải sống chung với bóng tối, thay vì sợ hãi, bế tắc, tuyệt vọng, những người khiếm thị lại làm cho cuộc đời sáng lên bằng chính tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường. Điều đó đã giúp những người khiếm thị vượt qua sự tăm tối của số phận, tìm được ánh sáng riêng cho cuộc đời mình. Ánh sáng đó đang ngày ngày được chia sẻ, lan tỏa đến những người đồng cảnh ngộ, âm thầm khẳng định sức sống và niềm tin mãnh liệt phấn đấu trở thành người có ích và làm chủ cuộc đời mình. Huy là một trong những trường hợp đó.
Tôi đã đọc ở đâu đó câu nói “Cuộc sống sẽ có rất nhiều lúc ta cảm thấy bế tắc, nhưng cũng chỉ như những phép thử, khó khăn thử thách được đặt ra để tôi luyện con người trở nên can đảm và mạnh mẽ. Nếu có đủ ý chí nghị lực, chắc chắn không có chướng ngại nào có thể ngăn cản được bước chân bạn hướng đến thành công”. Tôi cầu chúc cho tất cả những người khiếm thị nói chung và em Huy(lớp 8B, trường THCS Sơn Thủy) nói riêng luôn luôn tự tin trong cuộc sống, khẳng định giá trị riêng của bản thân mình, đạt được nhiều thành công, mạnh mẽ vượt qua mặc cảm để vươn lên cuộc sống!
Ý kiến bạn đọc