Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Tháng 12 lại về! Tháng mà cả nước dành rất nhiều trang viết về lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta thể hiện niềm tự hào và biết ơn sâu sắc các thế hệ chiến sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhân kĩ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 /1944 -22/12/2020 thư viện trường THCS Sơn Thủy xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng tất cả các em học sinh một trong những người chiến sĩ tiêu biểu ấy- Đó là bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm qua cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do tác giả Đặng Kim Trâm chỉnh lý, Vương Trí Nhàn giới thiệu được nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2018
Trong mỗi chúng ta ai đã từng đọc qua cuốn sách, chắc hẳn không thể nào quên được những trang nhật ký rực lửa, đầy tình thương yêu của người con gái - Một bác sĩ trong thời kỳ chiến tranh. Chị là bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, chị sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình trí thức Hà Nội cả bố và mẹ đều là bác sĩ, dược sĩ. Năm 1966 tốt nghiệp trường Y khoa Hà Nội rồi chị xung phong và công tác ở chiến trường B, tham gia quân đội với tư cách là bác sĩ quân y được điều đến công tác ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Chị ra đi với niềm tin chiến thắng. Đó là thứ niềm tin mang đầy thánh thiện của những người lính.Với chị, ra chiến trường không phải chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm ao ước, là vinh dự mà họ phải dành lấy bằng được. Ở đó chị được phân công phụ trách bệnh viện huyện, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương, bệnh binh. Với công việc thường ngày chăm sóc sức khỏe cho thương bệnh binh, chị đau cùng nỗi đau của đồng đội khi những ca giải phẫu thiếu phương tiện, phải đối mặt với tử thần; chị xót thương cho những anh thương binh mồ hôi còn lấm tấm trên những gương mặt hãy còn xanh xao, đã ráng từng bước lết qua đèo rồi lại lên dốc khi phải chạy trốn những trận càn quy mô. Dù công việc bận rộn chẳng mấy lúc thảnh thơi, nhiều lúc một mình chị vừa là bác sĩ, vừa là y tá, vừa là hộ lý nhưng chị vẫn vui với công việc chuyên môn của mình và thật hạnh phúc khi được bệnh nhân nhận xét về tinh thần và trách nhiệm cao của một bác sĩ dù mới ra trường chỉ hai năm. Chị tin vào ngày mai chiến thắng, chị khao khát đến cháy lòng ngày hòa bình thống nhất Bắc Nam sum họp một nhà để được về với bố mẹ, về với mảnh đất Hà Thành thân yêu “Mình không rời vị trí quan sát một phút nào nhưng đầu óc mình lại là cảnh những ngày đoàn tụ sum họp. Mình sẽ trở về chắt chiu, vun xới cho tổ ấm gia đình, từng giây phút hòa bình ấy bởi vì có sống ở đây mới hiểu hết giá trị của cuộc sống. Ôi, cuộc sống phải đánh đổi bằng xương máu của tuổi trẻ biết bao người”... Chị ghi lại tất cả những gì xảy ra xung quanh chị, những lần tâm sự với đồng đội, những cuộc hành quân, những lần tự tay mình chôn cất cho đồng đội và cả những tâm sự và khát khao của người con gái thanh xuân tràn trề nhiệt huyết.
Ngày 22/6/1970 trên đường đi tìm vị trí di chuyển bệnh xá khỏi vòng vây, chị đã bị địch bao vây, phục kích và trúng đạn, chị đã hy sinh anh dũng tại xóm Đồng Lớn, thôn Nước Đang, Ba Khâm, Ba Tơ. Bên kia chiến tuyến chị đã đứng ra cầm súng bảo vệ cho những thương binh và chị đã ngã xuống như một người lính, cái chết của chị làm nên vẽ đẹp cao thượng của “những bông hoa bất tử”.
Các em biết không? Chiến tranh thật khốc liệt, sự hy sinh có thể diễn ra từng ngày, từng giờ. Chị Trâm đã hòa lẫn trong muôn ngàn người lính như thế đã lặng lẽ hy sinh vì Tổ Quốc. Đọc cuốn nhật kí trong lòng chúng ta lại mở ra bao cảm giác khó tả, trào dâng nỗi xúc động vô bờ. Một người con gái chưa đầy 28 tuổi, một người con gái mộng mơ, thích hát, một người con gái tưởng chừng như yếu đuối ấy lại được nung rèn nên từ ngọn lửa của dân tộc. Người con gái mang trong tim mình một nghị lực phi thường để suốt đời tận tâm với Tổ Quốc, hiến dâng cả cuộc đời mình cho đất nước. Chị từng nói: “Đời phải trải qua giông tố, nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”. Chị đã hy sinh nhưng hình ảnh chị thật tự hào biết bao, chị đã hiến dâng cả sức lực, cuộc đời cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tôc.
Đọc cuốn nhật ký, chúng ta thấy tự hào hơn về những gì mà chúng ta đang có, càng biết ơn sự hi sinh của bao thế hệ để đổi lấy cuộc sống độc lập tự do hôm nay.Khi đọc những dòng nhật ký của chị chúng ta cảm động đến thắt lòng, nó trở thành một động lực thúc đẩy giúp chúng ta phải biết cố gắng học tập và rèn luyện để xây dựng Tổ quốc ngày một văn minh hiện đại, xứng đáng với sự mất mát hy sinh của chị. Để hiểu hơn về cuộc chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam qua trang nhật kí, qua những dòng tâm sự chân thành của một cô gái- một bác sĩ thời chiến. Thư viện trường THCS Sơn Thủy Thủy trân trọng kính mời quý thầy cô giáo cùng các em đón đọc cuốn sách này.
Hẹn gặp lại quý thầy cô giáo và các em trong buổi giới thiệu sách lần sau!
Ý kiến bạn đọc