Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến.
Tháng 6/1911, Người đi ra nước ngoài, suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đây, Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều năm tháng bôn ba khổ cực nơi xứ người để tìm tự do cho dân tộc Việt Nam. |
Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Tháng 6 năm 1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.
Lên án chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy các phong trào giải phóng thuộc địa
Từ năm 1921 – 6/1923, Người tham gia nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa; Sử dụng báo chí Pháp tấn công chủ nghĩa thực dân – đáng chú ý Người là Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Le Paria (Người cùng khổ).
Điều rất thú vị là trong thời gian tham gia câu lạc bộ Phôbua, Người đã sáng tác vở kịch “Con rồng tre” nhằm đả kích vua bù nhìn Khải Định khi ông này sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa Mác-xây vào tháng 6/1922.
Trước đó vào năm 1921 tại Pháp, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Người viết nhiều bài đăng trên các báo “Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”, ... Đặc biệt, Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Tất cả các bài viết của Người đều được bí mật chuyển về nước và lưu truyền trong mọi tầng lớp nhân dân.
Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc gồm 12 chương. Tác giả dành 11 chương tố cáo tội ác man rợ của chủ nghĩa thực dân đối với người bản xứ ở các thuộc địa. Chương cuối cùng, tác giả cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa và làm rõ mối quan hệ giữa cách mạng Nga, quốc tế cộng sản, các tổ chức quốc tế khác với phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.
Thoát khỏi nhà tù Victoria và chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước
Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lênin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân.
Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á.
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Năm 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó có tên là Tống Văn Sơ bị chính quyền Anh bắt ở Hồng Kông và buộc tội là “một phần tử cộng sản nguy hiểm”, “phái viên của Đệ tam Quốc tế đến Hồng Kông để lật đổ chính quyền”.
Tuy nhiên, chỉ qua một lần tiếp xúc với ông bà luật sư người Anh là Lôdơby (F.H. Loseby), bằng tình cảm, sự chân thành của mình, Người đã cảm hóa được họ. Mặc dù không cùng “chiến tuyến”, nhưng Người đã được ông bà luật sư nhận lời bào chữa và tận tình giúp đỡ Người thoát khỏi nhà tù Victoria.
Sự cảm hóa kỳ diệu đó của Người, sau này được ông Lôdơby kể lại trong cuốn hồi ký của mình: “Sau 30 phút gặp gỡ, Người đã hoàn toàn chinh phục tôi. Ở Người toát ra một sức mạnh cảm hóa kỳ diệu”. Về phần mình, bà Lôdơby kể: “Chỉ sau 10 phút là tôi cảm phục Người. Tôi thúc nhà tôi làm gấp hồ sơ, còn tôi và con gái tôi ngày ngày vào thăm, săn sóc sức khỏe cho Người”.
Tổ chức các điều kiện và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản gửi những người Cộng sản Đông Dương tài liệu Về việc thành lập một Đảng Cộng sản Đông Dương, yêu cầu những người cộng sản Đông Dương phải khắc phục ngay sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và thành lập một đảng giai cấp vô sản.
Quốc tế Cộng sản chỉ rõ phương thức để tiến tới thành lập Đảng là phải bắt đầu từ việc xây dựng các chi bộ trong các nhà máy, xí nghiệp: chỉ rõ mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với phong trào cộng sản quốc tế.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1930. ảnh: bao tang lich su. |
Nhận được tin về sự chia rẽ của những người cộng sản ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đến Trung Quốc. Người chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng, tại Hương Cảng, Trung Quốc. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (18/2/1930). Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng tôi họp vào ngày 6-1… Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao Động Việt Nam (10/9/1960) quyết định lấy ngày 3-2 dương lịch hàng năm làm ngày kỉ niệm thành lập Đảng.
Thành phần Hội nghị hợp nhất gồm: 1 đại biểu của Quốc tế Cộng sản; 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng; 2 đại biểu An Nam Cộng sản Đảng. Hội nghị thảo luận đề nghị của Nguyễn Ái Quốc gồm Năm điểm lớn, với nội dung:
1. Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương;
2. Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam;
3. Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng;
4. Định kế hoạnh thực hiện việc thống nhất trong nước;
5. Cử một Ban Trung Ương lâm thời gồm chín người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc ở Đông Dương”. Hội nghị nhất trí với 5 điểm lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc và quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long (gần Hương Cảng). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng do chính Người soạn thảo. Người ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam và nay là Đảng Cộng sản Việt Nam ).
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã quy tụ 3 tổ chức cộng sản thành một Đảng cộng sản duy nhất- Đảng Cộng sản Việt Nam - theo một đường lối chính trị đúng đắn, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. |
Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chính sách căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám (1945) thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).
Hoạch định đường lối kháng chiến, làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu
Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.
Ngày 19-12-1946, Người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. |
Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản kéo dài 9 năm, và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.
Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, mà còn cổ vũ các dân tộc thuộc địa vùng lên giành độc lập, đánh đổ chế độ thực dân, đế quốc.
Đối phó với thù trong giặc ngoài, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ
Sau khi lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta ngay lập tức phải đối diện với các thế lực đế quốc, phản động quốc tế đã câu kết, bao vây, chống phá quyết liệt, hòng thủ tiêu mọi thành quả cách mạng, tái dựng ách thống trị đối với đất nước ta.
Dưới danh nghĩa quân Đồng minh, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc thực hiện “nhiệm vụ” giải giáp quân Nhật; nhưng thực chất là thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động trong nước lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính phủ tay sai cho chúng. Cùng lúc, quân Anh kéo vào miền Nam cũng để tước vũ khí quân Nhật, song thực chất là bí mật tìm cách giúp quân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam lần thứ 2.
Ngoài ra còn có các thế lực thù địch, phản động ở trong nước, như “Việt Nam quốc dân đảng” (Việt Quốc) của Vũ Hồng Khanh, “Việt Nam cách mạng đồng chí hội” (Việt Cách) của Nguyễn Hải Thần, “Đại Việt quốc dân đảng”, “Đại Việt quốc gia xã hội đảng”… tìm mọi cách phá hoại thành quả của Đảng ta, nhân dân ta.
Chủ động và bình tĩnh ứng phó với những thách thức nghiêm trọng trên, xuất phát từ cơ sở nghiên cứu, phân tích tình hình thế giới và hiện trạng đất nước, ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, trong đó xác định rõ nhiệm vụ cấp bách trước mắt là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.
Xác định củng cố chính quyền là vấn đề cơ bản, hàng đầu của cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, lập chính phủ và chấn chỉnh các cơ quan nhà nước. Đồng thời, các địa phương cũng bầu ra hội đồng nhân dân các cấp.
Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam (ngày 6/1/1946) và Quốc hội thông qua Hiến pháp (ngày 9/11/1946) biểu thị ý chí và sức mạnh của toàn dân trong bảo vệ thành quả cách mạng, khẳng định trên thực tế và về mặt pháp lý một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.
Dự đoán về Đại thắng mùa xuân 1975
Ngày 30/4/1975, sau hơn 20 năm kháng chiến gian khổ, non sông đất nước đã được thu về một mối. Trong ngày vui thống nhất, Người không còn nữa để nhìn thấy niềm vui ấy, nhưng cả dân tộc vẫn luôn hướng về người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo vệ đại thắng mùa xuân 1975 từ rất sớm. Điều đầu tiên, Người dự báo về hành động xâm lược trực tiếp của đế quốc Mỹ. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhắc nhở đồng chí Tố Hữu về công tác tư tưởng, Người chỉ rõ: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (12/1967). |
Có thời điểm, niềm Nam có tới hơn 60 vạn quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ, gần 1 triệu quân Ngụy được trang bị vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, Người cũng dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ đến ngày thắng lợi. Ngay cả khi chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng, Người vẫn khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhìn thấy trước sự sụp đổ tất yếu của Đế quốc Mỹ, nhất là sau khi phong trào Đồng Khởi (1960) bùng bổ và giành được nhiều thắng lợi.
Trong diễn văn bế mạc 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết: “Trong lúc chúc mừng Ngày quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam tình ruột thịt và hứa với đồng báo rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất, tấm gương đạo đức sáng ngời
Luis Francisco Báez Hernández (1936-2015) là nhà báo, nhà văn Cuba chuyên viết về các hoạt động của lãnh tụ Fidel Castro huyền thoại. Ông viết rằng: “Tôi không bao giờ có thể quên được buổi sáng ngày 20/7/1965 đó và câu chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy đã cho chúng tôi hiểu rõ: Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật phi thường của thời đại mình. Hồ Chí Minh phi thường chính trong sự giản dị và trong sáng của Người.
Những người nông dân Việt Nam bình dị nhìn thấy ở Người niềm hy vọng và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Toàn thể nhân dân Việt Nam nhìn thấy ở Người phẩm chất của vị lãnh tụ có thể tập hợp và đoàn kết tất cả các tầng lớp: nông dân, công nhân, trí thức và mọi người Việt Nam yêu nước vì một mục tiêu chung là giành độc lập, tự do cho đất nước.
Chính vì thế mà chúng ta hiểu vì sao Tổng thống Mỹ Eisenhower đã thú nhận trong hồi ký của mình rằng đích thân ông ta đã ra lệnh bằng mọi giá phải tìm cách ngăn chặn cuộc bầu cử tự do tại Việt Nam theo quy định của hội nghị Geneve, bởi vì người Mỹ biết chắc rằng 80% dân chúng nước này sẽ bỏ phiếu ủng hộ chính phủ của Hồ Chí Minh”.
Bác của chúng ta cũng là một nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới và là một tấm gương đạo đức sáng ngời.
Ngay một người nông dân chân lấm, tay bùn, sống dưới đáy xã hội cũng có mảnh vườn, cái ao, hay chí ít là con gà, con lợn. Chỉ duy nhất một người dường như không có gì cả, đó chí là Bác. Tài sản của Bác chỉ là chiếc quạt bằng lá cọ, đôi dép cao su và bộ quần áo kaki… Và, ngay cả trong cõi riêng tư, Người cũng là người nghèo nhất. Một người nghèo nhất nước như Bác, nhưng để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ - đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một ý chí cách mạng chói ngời.
* Website ngành giáo dục
° Bộ GD&ĐT
° Cổng thông tin Sở GD&ĐT Quảng Bình
° Phòng GD&ĐT Lệ Thủy
° Hệ thống quản lý thông tin GVPT và CBQLCSGDPT (TEMIS)
° Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục
° Phần mềm Quản lý hồ sơ và đánh giá kết quả làm việc của CBCC
* Website cơ quan khác
° Quốc Hội
Ý kiến bạn đọc